HỌC SINH NGÔI SAO VUI LÀM TÒ HE, MỘT NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRONG NGHỆ THUẬT DÂN GIAN
Trải qua hơn bốn nghìn năm văn hiến, Việt Nam vẫn giữ vẹn nguyên hình ảnh về một đất nước có nền văn hóa đặc sắc được thể hiện trên đa phương diện, một trong số đó là các trò chơi dân gian, nổi bật là TÒ HE - một trong những trò chơi truyền thống lâu đời của nước ta. TÒ HE là sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại, kết hợp giữa sự sáng tạo với nghệ thuật dân gian. Nó như khúc đồng dao thương nhớ, một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của nhiều người. Thế nhưng, với sự phát triển nhanh của thời đại công nghệ, TÒ HE đang dần bị đưa vào quên lãng. Trân trọng những giá trị tốt đẹp ấy, tập thể 11A3 đã cùng nhau tìm hiểu, thực hành tạo ra những sản phẩm TÒ HE vô cùng đẹp mắt thông qua ngày ngoại khóa môn tiếng Anh với chủ đề “Culture and Arts” và cũng là sản phẩm sẽ được trưng bày trong NGÀY HỘI KHOA HỌC sắp tới của tổ Tiếng Anh.
Vật liệu của TÒ HE khá đơn giản, được tạo nên từ bột gạo, nước và màu thực phẩm. Sản phẩm TÒ HE hoàn toàn ăn được nhưng cũng vì vậy mà dễ bị khô, mốc, không bảo quản được lâu. Nhận thấy các khuyết điểm ấy, tập thể chúng em đã lựa chọn vật liệu đất nặn thay thế bột gạo. Đất nặn có giá thành rẻ, màu sắc đa dạng, không cần dùng màu thực phẩm và thành phẩm nhẹ. Tuy nhiên đất nặn nhanh khô, cần sự khéo tay để sản phẩm không bị nứt nên để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh cần nhiều sự cân đo và tỉ mỉ. Để TÒ HE được giữ lâu hơn, chúng em đã phủ nhiều lớp bóng lên sản phẩm, đồng thời cũng giúp tò he trông đẹp mắt hơn. Trong vòng 3 tuần, chúng em đã tạo ra hơn 100 chiếc tò he với nhiều hình dạng khác nhau.
Năm 2024 là năm Giáp Thìn với biểu tượng con rồng. Theo văn hóa phương Đông, con rồng thể hiện quyền lực, sức mạnh và sư thịnh vượng. Đối với người Việt, biểu tượng loài rồng còn đặc biệt hơn khi là biểu tượng của đời sống văn hoá, tình cảm, tâm hồn dân tộc. Lấy cảm hứng từ đó, chúng em đã tạo nên kiệt tác “Kim Sơn Long” vô cùng độc đáo và công phu. Về phần thân rồng, chúng em sử dụng giấy không còn sử dụng để định hình, sau đó dùng đất sét đắp tạo hình. Phần tốn nhiều thời gian nhất chính là các vảy rồng. Chúng em đã nặn toàn bộ vảy thủ công, cần 4 người nặn trong 72 tiếng đồng hồ. Đầu rồng được tái hiện theo kiểu dáng rồng phương Đông. Đặc biệt mắt của rồng được chỉnh sửa 6 lần vì bị lỗi, không đều hai bên. Chúng em cũng chuẩn bị phần “Kim Sơn” - núi tiền tượng trưng cho một năm rồng đầy tài lộc. Cuối cùng, chúng em xịt sơn lên để tạo màu sắc óng ánh cho thành phẩm.
Trong quá trình nặn, chúng em gặp khó khăn với các chi tiết nhỏ như mắt, miệng; đôi lúc cũng thiếu ý tưởng về hình dạng; đất sét dễ bị khô nên phải làm lại nhiều lần. Tuy vậy nhưng chúng em đều rất thích thú với trải nghiệm mới mẻ này. Đây là lần đầu tiên chúng em được tham gia tạo nặn sản phẩm theo ý mình nên cũng rất hào hứng lựa chọn các sản phẩm là các món ăn hoặc các nhân vật hoạt hình mình thích. Nặn TÒ HE cũng giúp chúng em xả stress sau những buổi học mệt mỏi. Trong suốt 3 tuần làm TÒ HE, chúng em đã được luyện tập tính kiên nhẫn và tỉ mỉ. Nhìn thấy TÒ HE của mình được thầy cô và các bạn khen, chúng em đều rất vui vẻ vì mình đã tạo ra những sản phẩm độc đáo, góp phần gìn giữ và quảng bá văn hóa Việt Nam.
Vì sản phẩm được nặn hoàn toàn bằng tay, các chi tiết đều được trau chuốt, tuy nhiên sẽ không thể sắc sảo như máy móc, đôi lúc còn có vẻ ngồ ngộ nhưng đều có nét đẹp riêng rất có hồn. Chúng chứa đựng công sức và tình cảm của các thành viên của 11A3.
Đây là một hoạt động bổ ích, vui tươi mà chúng em muốn gửi gắm đến học sinh trường Ngôi Sao, hi vọng các bạn sẽ cảm thấy hứng thú và thử làm một chiếc tò he cho riêng mình!
“Tò he xanh đỏ tím vàng
Mẹ mua mỗi độ chợ làng vào phiên
Chim cò, ngũ quả, cô tiên ...
Nhỏ xinh đánh đổi nỗi niềm tuổi thơ.”
Tò he ơi! (Hoàng Anh Tuấn)
Số lần xem: 571